Thông tin loài: Bản xe thơm - Albizia odoratissima (L. f.) Benth.

Ngành: HẠT KÍN - ANGIOSPERMAE

Lớp: HAI LÁ MẦM - MAGNOLIOPSIDA

Bộ: ĐẬU - FABALES

Họ: Đậu - Fabaceae

Chi: - Albizia

IUCN:

Sách đỏ:

NĐ 84/2021:

Phân bố: Loài của Ấn Độ, Xri Lanca, Nam Trung Quốc, Đông Nam Á nhiệt đới và cận nhiệt đới (trừ ở bán đảo Mã Lai). Ở Việt Nam có gặp từ Lai Châu, Phú Thọ, Ninh Bình đến Đắc Lắc, Lâm Đồng cho tới An Giang (Châu Đốc).

Đặc điểm: Cây gỗ cao đến 40m; nhánh tròn, hơi có lông mịn, rồi nhẵn. Lá có trục dài 7 - 20cm, có tuyến; lá lông chim 3 - 5 đôi, có trục 7 - 14cm mang 7 - 10, có thể đến 16 đôi lá chét thuôn hay hình trái xoan ngược, dài 1,1 - 3,5cm, rộng 0,6 - 1,2cm, không cân xứng, nhẵn hoặc có lông mềm cả hai mặt. Chùy hoa ở ngọn, phân nhánh chỉ một lần, dài 8 - 20cm; cuống xếp thành bó 2 - 4, mang các hoa đầu gồm 10 - 15 hoa, không cuống, có hai dạng. Hoa ở mép có đài hình ống với các răng nhọn; tràng hình phễu có thùy xoan - bầu dục, màu vàng; nhị cỡ 20 có chỉ nhị dính thành ống bằng ống tràng; bầu có lông mịn hay lông mềm. Quả dẹp, mỏng, dài 16 - 22cm, rộng 3,5cm, màu nâu sẫm; hạt 8 - 12, hình trái xoan, hẹp, dài đến 9mm.

Giá trị: Gỗ có lõi màu nâu, khá cứng, được dùng làm cột và xẻ ván; cũng có thể đóng đồ mộc cao cấp, dụng cụ thể thao, đồ mỹ nghệ, dùng cho xây dựng, đóng xe cộ, đồ dùng văn phòng… Vỏ cây chứa 12 - 15% tanin dùng làm nguyên liệu thuộc da. Ở Lào, người ta sắc vỏ và dùng đắp lên vết thương. Vỏ, lá, quả và vỏ rễ được sử dụng làm thuốc. Ở Vân Nam (Trung Quốc), vỏ rễ được dùng trị phong thấp viêm khớp xương, đòn ngã tổn thương, vết thương do dao chém xuất huyết và lở ngứa; còn quả được dùng làm thuốc thanh nhiệt lương huyết, nhuận tràng thông tiện. Ở Ấn Độ, vỏ dùng đắp ngoài có hiệu quả trong điều trị bệnh phong hủi và loét ngoan cố ; lá được dùng sắc với bơ lỏng để trị ho.

Nguồn: https://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=edir&v=Albizia%20odoratissima&list=species

Điểm phân bố

Thuộc VQG X (VN2000) Y (VN2000) Tk/ Khoảnh/ Lô