Thông tin loài: Khôi tía; Cơm nguội rừng - Ardisia silvestris Pit.

Ngành: HẠT KÍN - ANGIOSPERMAE

Lớp: HAI LÁ MẦM - MAGNOLIOPSIDA

Bộ: ĐỖ QUYÊN - ERICALES

Họ: Đơn Nem - Myrsinaceae

Chi: Chi trọng đũa - Ardisia

IUCN:

Sách đỏ: VU A1a,c,d+2d

NĐ 84/2021:

Phân bố: Ba Vì,Chùa Hương

Đặc điểm: Cây nhỏ cao 50cm hay hơn, không lông, thân non có sẹo lá sâu, có vỏ màu xám. Lá mọc so le, sít nhau ở đầu thân, phiến hình  giáo ngược hoặc trứng ngược dài 20 - 40cm, rộng 6 - 12cm, đầu thon và nhọn, gốc thon dài và men rộng ở gốc, màu lục sẫm ở trên, nhạt màu hơn ở dưới hoặc có màu đỏ tím, mép khía răng cưa nhỏ; gân bên 28 - 32 đôi, cuống lá không có.Cụm hoa ở bên, thành chùm dài 5 - 10cm, trục chính mang 4 - 6 trục thứ cấp mang mỗi cái 5 - 10 hoa tập hợp thành tán. Hoa mẫu 5. Lá đài thuôn, nhọn, ở mép có lông mi, có răng, có tuyến. Cánh hoa xoan, ngọn giáo, tù, có tuyến. Nhị có chỉ nhị ngắn. Bầu hình trứng, vòi mảnh, đầu nhụy hình chấm.Quả cao và rộng 8mm, hình cầu, màu đỏ; hạt hình cầu, hơi dẹp, có một hốc nhỏ ở gốc.Phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc (đảo Hải Nam). Ở Việt Nam, có gặp từ Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An vào tới Quảng Nam và Đà Nẵng.Cây mọc dưới tán rừng rậm ẩm ướt, nơi râm mát, trên đất nhiều mùn trong rừng hay ven rừng nguyên sinh ở độ cao 400 - 1200m. Tái sinh bằng hạt.Ra hoa tháng 5 - 7, có quả tháng 10 đến tháng 2 năm sau.Nhân dân dùng lá làm thuốc chữa đau bụng, đau dạ dày; còn dùng nấu nước tắm sài  lở và giã đắp nhọt cho trẻ em. Rễ cũng được dùng uống chữa kiết lỵ ra máu, đau yết hầu và đau cơ nhục.Cây bị khai thác nhiều, số lượng bị giảm sút. Được đưa vào Sách Đỏ đề nghị bảo vệ.

Giá trị: Lá sắc uống chữa đau dạ dày, đau bụng.

Nguồn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 290

Điểm phân bố

Thuộc VQG X (VN2000) Y (VN2000) Tk/ Khoảnh/ Lô